Hải sản vốn đã là những món ăn không rẻ. Và trong cái đám không rẻ ấy, tôm hùm lại luôn ở một trong những vị trí dẫn đầu, được đánh giá vào hàng cao lương mỹ vị, không phải lúc nào cũng có thể ăn được. Dành cho những người chưa biết thì có 2 loại tôm hùm thường được biết đến. Một loại là tôm hùm gai – hay tôm rồng – chính là loại tôm hùm chúng ta vẫn thường thấy ở Việt Nam. Loại còn lại là tôm hùm Mỹ – những con tôm hùm có càng, và chúng là những con tôm siêu đắt.
Trung bình, một con tôm hùm Mỹ nặng từ 1 đến 1,2kg có giá ban đầu dao động từ $30 đến 45$ – tương đương 700 ngàn đến hơn 1 triệu đồng. Nếu dùng bữa tại nhà hàng, mức giá này còn có thể cao hơn rất nhiều. Vấn đề là tại sao chúng lại đắt như thế? Không phải tự nhiên, mà mọi chuyện đều có lý do.
Một trong những lý do khiến tôm hùm trở thành thực phẩm đắt đỏ như vậy là bởi nguồn cung ít ỏi. Không giống như các loại thủy hải sản khác, trước kia không có bất cứ một trang trại nào có khả năng cung cấp được tôm hùm với số lượng lớn cả.
Nguyên nhân là bởi nuôi tôm hùm Mỹ không hề dễ dàng. Không giống như tôm hùm gai tại các nước châu Á đã được hình thành kỹ thuật nuôi, tôm hùm càng tồn tại nhiều hạn chế. Chúng ăn nhiều nhưng chậm lớn, lại dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm. Trứng tôm thì vô cùng khó chăm sóc. Vì vậy, thị trường nhập tôm hùm chủ yếu từ những ngư dân đánh bắt. Điều này khiến nguồn cung không nhiều và thiếu ổn định.
Mặt khác, việc vận chuyển tôm hùm từ nơi đánh bắt tới người mua cũng là một nhiệm vụ khó khăn, bởi chúng chỉ tồn tại được trong môi trường mát và ẩm trong khi vẫn đòi hỏi một lượng oxy đầy đủ để thở. Chi phí vận chuyển do vậy cũng không hề rẻ chút nào.
Theo kinh nghiệm từ các đầu bếp, tôm hùm ngon nhất những con còn sống. Điều này cũng giúp ngăn chặn các vi khuẩn có hại xuất hiện bên trong con tôm. Vì lý do này, rất nhiều chợ tôm hùm sống xuất hiện để đáp ứng nhu cầu cho người mua. Những con tôm hùm khỏe nhất sẽ được bán cho các nhà hàng với giá cao hơn so với tôm đã chết hoặc đã yếu.
Chế biến tôm hùm cũng là một quy trình khá phức tạp và đòi hỏi tay nghề của người đầu bếp. Việc tách thịt ra khỏi phần vỏ có lẽ là công việc khó khăn nhất, bởi phần thịt này thường dính chặt với vỏ và chỉ có thể rời ra khi được nấu chín.
Khổ nỗi nếu nấu chín quá sớm trước khi phục vụ thì tôm sẽ trở nên dai và kém ngon. Điều này là một trở ngại của các nhà chế biến và phân phối thịt tôm hùm. Một số công ty dùng áp lực của nước để tách thịt ra khỏi vỏ thay vì nấu chín, tuy nhiên cách làm này khá phức tạp vì vậy không thực sự phổ biến.
Như vậy, tôm hùm phải trải qua một quãng đường dài từ tay ngư dân tới đại lý, sau đó đến chợ hải sản tươi sống hoặc đến tay những công ty chế biến. Từ đây nó sẽ được lên kệ ở cửa hàng thực phẩm hoặc xuất hiện trong thực đơn của một nhà hàng sang trọng. Giá cho mỗi con tôm cũng tăng dần qua mỗi lần nó được chuyển đi.
Ngoài ra, tôm hùm có giá cao như vậy cũng là bởi người tiêu dùng thường ưa chuộng những loại thực phẩm đắt đỏ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng người ta sẽ cảm nhận hương vị món ăn rõ hơn nếu biết đó là một món đắt tiền.
Giá thành cao từ lâu cũng đã là một đặc điểm đặc trưng của tôm hùm. Vì vậy ngày nay nếu một con tôm hùm có giá thấp hơn một chút thì không ít người sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về chất lượng của nó. Đó chính là lý do mà loại hải sản này vẫn giữ giá thành cao ngất ngưởng suốt một thời gian dài.
– Sưu tầm –