Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng là món đặc sản đáng tự hào của người dân Tây Ninh, từ lâu đã đi vào lòng du khách như nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực khó lòng trộn lẫn. Thoạt nhìn qua, thành phần món này khá đơn giản, tuy nhiên, chỉ đến khi nếm thử thì người ta mới có thể cảm nhận hết đượcsự tinh tế, sức hấp dẫn của món ăn ẩn chứa bên trong các nguyên liệu.
Để làm ra chiếc bánh tráng nổi tiếng này, người dân phải trải qua nhiều công đoạn khá cầu kỳ: Chọn gạo, tráng bánh, nướng sơ qua rồi lại đem phơi cho ngấm sương mai.
Từ những chiếc bánh mềm dẻo đó, người dân Tây Ninh đã chế biến nên món ăn ngon mang hương vị rất riêng cho món cuốn phổ biến ở Nam Bộ.
Thế nhưng do bánh tráng nướng giòn, phơi sương đêm dễ rách nên người ta đã nghĩ ra cách tráng thêm hai lớp bánh chồng khít lên nhau, cho thêm chút muối để bánh dẻo và đậm đà, phơi nắng vừa khô rồi nướng bằng than đậu phộng cho có độ phồng mềm mới đem phơi sương.
Hơi sương sẽ ngấm từ từ vào bánh, giúp bánh mềm, không đổi màu, không cần nhúng nước trước khi ăn. Dù có giải thích về nguồn gốc bánh tráng phơi sương theo cách nào thì vùng Trảng Bàng với ngày nắng, đêm sương cùng với tay nghề kỹ thuật tráng bánh hai lớp, nướng, phơi, được truyền từ đời này qua đời khác đã hình thành một làng nghề truyền thống độc đáo và sản phẩm nức tiếng một vùng.
Món bánh tráng cuốn phơi sương cuốn thịt luộc, ăn kèm với hàng chục loại rau lá như: Đọt xoài, đinh lăng, đọt cóc, tía tô, rau răm, hẹ, xà lách, húng lủi, húng quế, dưa leo, giá đậu rau diếp cá, tía tô, lá hẹ, lá cóc, lá săng mào, lá bứa, lá tràm ổi, húng quế, húng lủi, cần nước, lá mặt trăng, lá săng dẻ, quế vị, ngò tàu… Điều đặc biệt là các loại rau trồng ở đây không có loại nào quá cay, quá đắng mà bùi, hơi chát, hơi ngọt, hơi chua.
Tính ra phải đến hơn ba chục thứ rau thơm và lá non các loại, mà dường như chỉ có ở Trảng Bàng mới có đủ các loại rau ấy.
Tuy nhiên, điểm nhấn của món bánh tráng lại là nước chấm mắm nêm được làm từ cá lên men pha với dứa, tỏi và ớt, đem lại vị mặn, hơi chua, cay cay, thanh thanh đậm đậm, rất đặc biệt của miền Nam.
Còn với thịt heo để ăn bánh tráng phơi sương nên chọn loại thịt đùi luộc nguyên, khi xắt ra trắng và trông rất ngon, mềm. Đĩa thịt luộc rất khéo, phải chọn lựa thứ thịt tươi ngon, luộc từ nước lạnh đun sôi dần, chín tới vớt ra ngay, lại thả vào thau nước sôi nguội để “trung hoà” rồi xắt lát mỏng bày lên đĩa. Xấp bánh tráng gấp làm đôi, mềm xốp như khăn giấy. Khi ăn mới mở ra gắp, gói, tuỳ theo ý thích mà không cần nhúng nước.
Thịt heo để ăn bánh tráng phơi sương nên chọn loại thịt đùi luộc nguyên.
Khi ăn, người ta bóc ra một tấm bánh tráng, đặt lên chiếc đĩa rồi mới lần lượt xếp vào từng loại rau, dưa, giá mình ưa thích. Thêm vào một hai miếng thịt rồi cuộn tròn lại, vừa với miệng ăn.
Ăn thử một cuốn bánh tráng phơi sương, ta có thể cảm nhận đủ hương vị chua, cay, đắng, chát của rau, của đồ chua và vị thơm, ngon, béo, ngọt, mặn mà của thịt, dai dai của lớp bánh tráng, mới thấy được sự cầu kỳ của món ăn vốn được cho là thôn dã này.
Tất cả đều được cuốn lại bởi bánh tráng phơi sương kết hợp cùng rau, thịt, giá đỗ, dưa leo…
Thức quà của vùng quê thơm ngon, độc đáo này chính là thứ đã hội tụ tinh hoa đất trời qua công lao vất vả, một nắng hai sương của người dân Trảng Bàng. Khách đến Tây Ninh từ xưa đến nay không mấy ai lại chẳng dừng chân ở thị trấn, ghé vào thưởng thức một phần bánh tráng phơi sương cuộn rau, dưa, thịt luộc đã nổi danh trên đất Trảng Bàng.
(Sưu tầm)